Du học nhật bản 2014

Du học nhật bản giá rẻ

Hiển thị các bài đăng có nhãn hợp tác việt nhật. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn hợp tác việt nhật. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Đối tác Việt - Nhật ngày càng phát triển

Quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Nhật ngày càng phát triển

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phu nhân sẽ thăm chính thức nước ta từ ngày 16-17/1.
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, sau khi được bầu làm Thủ tướng Nội các Nhật Bản (26/12/2012) và là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 2 trên cương vị Thủ tướng của ông Shinzo Abe sau chuyến thăm tháng 11/2006 trong nhiệm kỳ trước.
Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam- Nhật Bản, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư.
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973, quan hệ Nhật Bản – Việt Nam đã có những bước phát triển ngoạn mục. Từ đó đến nay, quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước không ngừng được củng cố, phát triển mạnh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục.

hợp tác việt nhật
Lễ hội Genki Nhật Bản tổ chức tại TP HCM tháng 4/2012, một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2013)

Về chính trị, năm 2002, lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất xây dựng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản theo phương châm “đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”. Nhật Bản ủng hộ đường lối đổi mới, mở cửa của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới thông qua các tổ chức quốc tế như APEC, WTO, ASEM, ARF; vận động OECD giúp Việt Nam về kỹ thuật... Hai bên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế quan trọng, trong đó có LHQ.
Nhật Bản luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vì Việt Nam được Nhật Bản đánh giá là thân thiện, có vị trí địa chính trị quan trọng, đồng thời là đối tác tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Do đó, mặc dù gặp khó khăn, nhưng Chính phủ Nhật Bản vẫn dành viện trợ ODA ở mức cao nhất cho Việt Nam. Các chủ trương, chính sách hợp tác với Việt Nam luôn dành được sự ủng hộ của cả các đảng cầm quyền và đối lập.
Về an ninh - quốc phòng: Hai nước đang nỗ lực thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng thông qua trao đổi các đoàn quân sự cấp cao, giao lưu giữa quân đội hai nước, tăng cường hợp tác trong chống khủng bố, hải tặc, đảm bảo an ninh hàng hải, đào tạo nguồn nhân lực…
Về kinh tế. Nhật Bản là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999.
Đặc biệt, ngày 1/10/2009, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) chính thức có hiệu lực, đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hợp tác kinh tế hai nước. Cùng với Hiệp định đối tác toàn diện Nhật Bản-ASEAN, VJEPA tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Kể từ đầu thập niên 1990 đến nay, Nhật Bản đã nhanh chóng vượt lên trở thành bạn hàng, thị trường lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước trong năm 2011 đã đạt 21,181 tỷ USD trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 10,78 tỷ USD và nhập khẩu đạt 10,40 tỷ USD, trở lại xuất siêu sau 2 năm liên tiếp nhập siêu trong quan hệ thương mại với Nhật Bản. Trong Tuyên bố chung năm 2011, hai bên đặt mục tiêu tăng ít nhất gấp đôi kim ngạch thương mại song phương đến năm 2020.
Kim ngạch thương mại hai chiều trong 11 tháng đầu năm 2012 đạt 22,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 11,9 tỷ USD (tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2011), nhập khẩu đạt 10,6 tỷ USD (tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2011).
Nhật Bản cũng đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Hai bên đã hoàn thành Giai đoạn IV Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản về cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam và thỏa thuận khởi động Giai đoạn V Sáng kiến chung trong năm 2013.
Tính đến ngày 20/11/2012, Nhật Bản có 1.800 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số đầu tư đăng ký 29 tỷ USD, đứng thứ nhất trong số 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Riêng trong năm 2012 (tính đến 15/12/2012). Nhật Bản đăng ký mới 270 dự án và tăng vốn cho 108 dự án, dẫn đầu với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,14 tỷ USD, chiếm 40% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong năm.
Về viện trợ phát triển chính thức (ODA): Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Từ năm 1992 đến năm 2011, Nhật Bản đã cam kết gần 20 tỷ USD vốn vay ODA cho Việt Nam. Trước tiên, nguồn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam tập trung vào mục tiêu giúp Việt Nam hoàn thành công nghiệp hóa – hiện đại hóa vào năm 2020. Việt Nam đã xác định 3 lĩnh vực trọng tâm để đạt mục tiêu gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và xử lý, tái cơ cấu các công ty nhà nước. Nhật Bản đã xác định sẽ hỗ trợ Việt Nam trong cả 3 lĩnh vực này.
Ngoài 3 lĩnh vực trên, ODA của Nhật Bản còn dành hỗ trợ những khó khăn của Việt Nam trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu (Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, chịu nhiều bão, lũ...) Nhật Bản còn hỗ trợ xây dựng trường học, trạm y tế, những công trình xã hội... tại những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của Việt Nam.

Về hợp tác văn hóa - giáo dục: Nhật Bản có nhiều dự án giúp Việt Nam nghiên cứu bảo tồn, tôn tạo các ngôi nhà ở dân gian truyền thống tiêu biểu ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Chính phủ Nhật Bản bắt đầu hợp tác và hỗ trợ cho việc bảo tồn di tích Hoàng Thành Thăng Long vào năm 2004, sau khi cựu Thủ tướng Koizumi đi thăm và đánh giá cao giá trị của di tích này. Năm 2006, Ủy ban hỗn hợp Việt-Nhật bảo tồn di tích Hoàng Thành Thăng Long đã được thành lập. Từ đó đến nay, Nhật Bản đã cử nhiều chuyên gia về khảo cổ học sang Việt Nam cùng điều tra, khai quật và nghiên cứu. Ngoài ra, hai bên cử nhiều đoàn sang thăm, làm việc, biểu diễn nghệ thuật, tham dự triển lãm, liên hoan phim, tổ chức lễ hội tại mỗi nước.
Những năm gần đây, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành Giáo dục - Đào tạo của Việt Nam.
Về hợp tác lao động, Nhật Bản là một thị trường tiềm năng cho lao động Việt Nam. Từ năm 1992 đến cuối năm 2008, Việt Nam đã cử 31.000 tu nghiệp sinh sang Nhật Bản học nghề và thực tập kỹ thuật trong các lĩnh vực như: điện tử, gia công cơ khí, may công nghiệp, chế biến thủy sản, hải sản, nông sản. Trong những năm gần đây, Nhật Bản vẫn là một trong những thị trường thu hút số lượng lớn tu nghiệp sinh và lao động Việt Nam sang làm việc. Năm 2004, Việt Nam đã lập văn phòng quản lý lao động tại Tokyo.
Về hợp tác địa phương: Trong những năm gần đây, hợp tác địa phương hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ. Một số địa phương hai nước thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị trên nhiều lĩnh vực. Nhiều dự án hợp tác giữa các địa phương hai bên đã được thực hiện hiệu quả như tình Osaka hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh triển khai thí điểm dự án về nước sạch, môi trường; tỉnh Fukuoka hỗ trợ thủ đô Hà Nội trong lĩnh vực xử lý chất thải rawnsm ô nhiễm nguồn nước; thành phố Kitakyushu hỗ trợ thành phố Hải Phòng trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, hợp tác phát triển cảng biển.
Nhiều nhà phân tích Nhật Bản cho rằng quan hệ Nhật Bản – Việt Nam đang là mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, là một hình mẫu trong các mối quan hệ quốc tế hiện nay. Việc tiếp tục phát triển quan hệ chặt chẽ này là chủ trướng nhất quan của Nhật Bản dù chính đảng nào lên cầm quyền. Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau khi được bầu làm Thủ tướng Nội các Nhật Bản của ông Shinzo Abe đến Việt Nam, Indonesia và Thái Lan đã cho thấy nhận định của các chuyên gia hoàn toàn có cơ sở.

Theo dofabrvt.gov

Du Học Hiền Quang

Nhật Bản nâng vốn ODA cho Việt Nam

Nhật Bản nâng vốn ODA cho Việt Nam lên mức kỷ lục
►Cam kết ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong tài khóa 2009 đạt 145,613 tỷ Yên, cao nhất từ trước đến nay...
hợp tác việt nhật
Lễ ký công hàm trao đổi về việc Chính phủ Nhật Bản cung cấp vốn ODA cho Việt Nam.

Chiều ngày 2/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Sakaba Mitsuo đã ký công hàm trao đổi về việc Chính phủ Nhật Bản cung cấp cho Chính phủ Việt Nam 25,822 tỷ Yên ODA, thuộc đợt 2 tài khóa 2009 của Nhật Bản (kết thúc vào 31/3/2010).

Khoản vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) nói trên được cung cấp để giúp Chính phủ Việt Nam triển khai 5 dự án cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, bao gồm: dự án xây dựng nhà ga hành khách - cảng hàng không quốc tế Nội Bài (12,607 tỷ Yên); dự án đường nối cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài (6,546 tỷ Yên); dự án xây dựng cầu Cần Thơ (4,626 tỷ Yên); dự án khôi phục cầu quốc lộ 1 giai đoạn 3 đoạn Cần Thơ - Cà Mau và dự án phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc (đều trên 1 tỷ Yên).

Theo dự kiến, trong tháng 3 tới, tại Hà Nội, đại diện Bộ Tài chính Việt Nam và đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ ký 5 hiệp định tín dụng cụ thể cho các dự án này, dựa trên các điều kiện khung quy định tại công hàm trao đổi đã ký.

Với khoản vay này, cam kết ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong tài khóa 2009 đạt 145,613 tỷ Yên (tương đương 1,63 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay. Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, điều này chứng tỏ sự đánh giá cao của Chính phủ Nhật Bản đối với quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Kể từ khi nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam vào năm 1992 đến nay, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ lớn nhất, đạt tổng cộng 1.557 tỷ Yên, bao gồm cả khoản vay mới ký.
Theo Vneconomy.vn


Hợp tác giữa Việt Nam và Nhật bản

          Việt Nam - Nhật Bản ra Tuyên bố chung
Hôm nay, tại Thủ đô Tokyo, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản đã ký “Tuyên bố chung về Triển khai Hành động trong Khuôn khổ Đối tác Chiến lược vì Hòa bình và Phồn vinh ở Châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản”. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung.
hợp tác việt nam nhat ban
Nhận lời mời của Ngài Nô-đa I-ô-si-hi-cô, Thủ tướng Nhật Bản, Ngài Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 30 tháng 10 đến ngày 2 tháng 11 năm 2011. Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi được bầu lại là Thủ tướng Việt Nam tại kỳ họp Quốc hội khoá XIII tháng 7 năm 2011.
Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Nhà Vua Nhật Bản và hội đàm cấp cao với Thủ tướng Nô-đa I-ô-si-hi-cô, gặp các lãnh đạo Quốc hội Nhật Bản. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đi thăm thành phố Xên-đai, và thành phố Na-tô-ri, tỉnh Mi-i-a-gi.
1. Về thể hiện tình đoàn kết sau thảm họa động đất tại Đông Bắc Nhật Bản
Thủ tướng Nô-đa I-ô-si-hi-cô bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với sự hỗ trợ mạnh mẽ và tình đoàn kết của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, sau trận động đất tại Đông Bắc Nhật Bản. Hai nhà lãnh đạo ghi nhận những việc làm thiện chí và tình cảm nồng ấm đó là minh chứng của quan hệ hữu nghị gắn bó đã được xây dựng qua nhiều năm giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
Thủ tướng Nô-đa I-ô-si-hi-cô nhấn mạnh trong thời kỳ khủng hoảng quốc gia chưa từng có này, Nhật Bản quyết tâm củng cố quan hệ với cộng đồng quốc tế và xây dựng lại đất nước một cách cởi mở với thế giới và định hình một đất nước năng động hơn, tranh thủ sự hỗ trợ và đoàn kết của thế giới dành cho Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định, là đối tác chiến lược của Nhật Bản, Việt Nam sẵn sàng làm hết khả năng của mình để hỗ trợ Nhật Bản trong quá trình phục hồi, tái thiết sau thiên tai. Đồng thời, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng Chính phủ và nhân dân Nhật Bản sẽ sớm vượt qua những khó khăn hiện nay, đưa đất nước Nhật Bản phát triển phồn vinh hơn nữa.
2. Về những thành tựu sau Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản 2010 và định hướng phát triển
Trên cơ sở những phát triển to lớn trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản từ khi ký kết “Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á” ngày 31 tháng 10 năm 2010 (“Tuyên bố chung 2010”), hai bên hoan nghênh việc hai nước, vốn là những quốc gia chia sẻ lợi ích chiến lược, đã xây dựng được nền tảng nhằm phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược một cách toàn diện.
Hai bên một lần nữa khẳng định sẽ củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác trên những lĩnh vực chính như sau:
(1) Về tăng cường trao đổi và đối thoại
Hai bên khẳng định lại tầm quan trọng của việc tăng cường trao đổi và đối thoại cấp cao giữa hai nước, nhất là duy trì các chuyến thăm cấp cao hàng năm. Hai bên khẳng định lại cam kết sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ song phương ở tất cả các cấp và trên mọi lĩnh vực cũng như các kênh đối thoại hiện có.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của Chính phủ Nhật Bản. Hai bên bày tỏ mong muốn rằng lãnh đạo Nhật Bản sẽ sang thăm Việt Nam vào thời điểm phù hợp cho cả hai bên trong năm 2012.
Phía Việt Nam đã có lời mời Nhà Vua, Hoàng hậu và các thành viên Hoàng gia Nhật Bản sang thăm Việt Nam, đặc biệt là vào năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Hai bên đánh giá cao những kết quả của phiên Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 12 năm 2010. Hai bên khẳng định lại rằng cơ chế đối thoại này giúp tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Hai bên quyết định tiến hành phiên Đối thoại Đối tác chiến lược lần thứ hai vào tháng 12 năm 2011 tại Tokyo.
Hai bên hoan nghênh việc ký kết “Bản Ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Quốc phòng Nhật Bản về việc Hợp tác và Trao đổi quốc phòng song phương” giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng trong chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phùng Quang Thanh vào tháng 10 năm 2011.
hợp tác việt nam và nhật bản
Với việc hai nước đều có chính sách thúc đẩy hợp tác rộng rãi trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, hai bên chia sẻ quan điểm rằng, đồng thời với các cơ chế đối thoại cấp làm việc hiện có, cần tăng cường hơn nữa đối thoại chiến lược thông qua việc khởi động Đối thoại Chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng. Hai nhất trí rằng việc giao lưu ở tất cả các cấp, bao gồm các chuyến thăm lẫn nhau của các đoàn cấp cao, cũng như các chuyến thăm cảng của tàu hải quân hai nước sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, cũng như đóng góp vào hòa bình và ổn định tại khu vực.
Hai bên quyết định sớm tổ chức cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản vào thời điểm thuận lợi cho cả hai bên. Để tăng cường hợp tác công-tư tại cả hai nước, hai bên bày tỏ dự định tổ chức Đối thoại Công-Tư cấp Bộ trưởng giữa Việt Nam và Nhật Bản trong khuôn khổ của Ủy ban.
Để kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản (1973-2013), hai bên quyết định lấy năm 2013 làm “Năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản”, và sẽ thúc đẩy hợp tác tổ chức những hoạt động nhằm kỷ niệm Năm Hữu nghị.
(2) Về hợp tác kinh tế
Phía Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản, và những tiến triển trong việc triển khai các dự án đã được nêu trong Tuyên bố chung 2010. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự hỗ trợ liên tục của Nhật Bản dành cho các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên của Việt Nam, như Dự án đường cao tốc Bắc-Nam, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, và các nghiên cứu khả thi hai đoạn đường của tuyến đường sắt cao tốc Hồ Chí Minh-Nha Trang và Hà Nội-Vinh.
Hai bên bày tỏ cam kết hợp tác thúc đẩy thực hiện những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng tại Việt Nam, ví dụ như Dự án sân bay quốc tế Long Thành thông qua mô hình đối tác công tư (PPP), cho phép sự tham gia của một tổ hợp các công ty Việt Nam và Nhật Bản, và Chính phủ Việt Nam sẽ tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các công ty Nhật Bản. Hai bên cũng nghiêm túc xem xét việc tiếp tục nghiên cứu Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 5) bởi một tổ hợp công ty Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản cam kết tiếp tục xem xét hỗ trợ các dự án đường cao tốc đoạn Ninh Bình - Bãi Vọt, Nha Trang-Phan Thiết, và các dự án tuyến đường tàu điện ngầm mới của Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như cam kết của Nhật Bản hỗ trợ cho các lĩnh vực ưu tiên như xây dựng thể chế và năng lực, sử dụng chuyên môn và công nghệ tiên tiến của Nhật Bản.
Hai bên hoan nghênh việc ký kết các Công hàm Trao đổi cho Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Cảng Lạch Huyện giữa hai Chính phủ cũng như việc ký kết thỏa thuận liên doanh thành lập một tổ hợp các công ty Việt Nam và Nhật Bản. Hai bên bày tỏ ý định sẽ hỗ trợ đầy đủ để thực hiện thuận lợi Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Cảng Lạch Huyện.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao quyết định của Chính phủ Nhật Bản cung cấp khoản vay Viện trợ phát triển chính thức (ODA) với tổng trị giá 71,6 tỉ Yên cho Việt Nam và hoan nghênh việc ký kết các Công hàm Trao đổi và Hiệp định vay cho bốn dự án gồm Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam (đoạn Bến Lức-Long Thành), Dự án sử dụng vệ tinh quan sát trái đất để phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu, Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai bên nhấn mạnh Dự án sử dụng vệ tinh quan sát trái đất để phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu do Nhật Bản đề xuất nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nhật Bản tháng 7 năm 2011 cũng sẽ có ích trong Mạng lưới quản lý thiên tai tại khu vực ASEAN. Phía Nhật Bản bày tỏ ý định sẽ cung cấp một khoản vay ODA cho Dự án bệnh viện tỉnh và địa phương giai đoạn 2 nhằm nâng cao mức sống của nhân dân và góp phần vào việc duy trì sự phát triển bền vững của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
(3) Về thương mại và đầu tư
Trước những thách thức hiện nay trong nền kinh tế thế giới, hai bên khẳng định lại tầm quan trọng của việc củng cố nền tảng kinh tế mỗi nước và hệ thống thương mại đa phương để đảm bảo sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng. Phía Nhật Bản hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Hai bên khẳng định vai trò thiết yếu của Hiệp định Đối tác Kinh tế giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA) và Hiệp định Tự do hóa, Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản nhằm củng cố quan hệ kinh tế giữa hai nước và nhận thấy tầm quan trọng của việc thực hiện hiệu quả các hiệp định này. Hai bên bày tỏ mong muốn tăng ít nhất gấp đôi kim ngạch thương mại giữa hai nước vào năm 2020.
Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao sự hợp tác của phía Nhật Bản nhằm phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, cụ thể là hỗ trợ kỹ thuật và tài chính. Phía Việt Nam bày tỏ mong muốn phát triển hai khu công nghiệp chuyên sâu với sự hợp tác của phía Nhật Bản, tại Hải Phòng và tại Bà Rịa-Vũng Tàu, nhằm thúc đẩy hơn nữa đầu tư của Nhật Bản và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Về vấn đề này, phía Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của Nhật Bản nhằm xây dựng và thực hiện chiến lược công nghiệp hóa và kế hoạch hành động đến năm 2020 của Việt Nam và khẳng định sẽ thành lập một Ủy ban cấp cao về  lĩnh vực hợp tác này do một Phó Thủ tướng của Việt Nam chủ trì.
Hai bên hoan nghênh kết quả đàm phán của Tiểu ban về Di chuyển Thể nhân theo VJEPA và việc ký kết “Bản ghi nhớ về tiếp nhận những ứng viên điều dưỡng viên và hộ lý có bằng cấp từ Việt Nam sang Nhật Bản” nhằm tiếp nhận những ứng viên điều dưỡng viên, hộ lý có bằng cấp từ Việt Nam theo cơ chế sẽ được hai nước quyết định.
Nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, và ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam để bảo đảm các biện pháp thương mại phù hợp với các Thỏa thuận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Nghị định về việc gia nhập WTO của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ không áp dụng đoạn 255 của Báo cáo của Ban Công tác về việc gia nhập WTO của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với sự hiểu biết rằng Chính phủ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện kinh tế thị trường. Phía Việt Nam đánh giá cao quyết định này của Chính phủ Nhật Bản.
Hai bên khẳng định lại cam kết của mình triển khai gói dự án thiết lập hải quan điện tử và một cửa thông qua việc đưa Hệ thống thống nhất Công-ten-nơ và Cảng tự động của Nhật Bản (NACCS) vào Việt Nam.
Hai bên đánh giá cao thành công của Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và hoan nghênh việc bắt đầu Giai đoạn 4 của Sáng kiến chung từ tháng 7 năm 2011, theo đó hai bên sẽ thảo luận các biện pháp tiếp theo cải thiện môi trường đầu tư đối với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam .
(4) Về hợp tác năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu
Hai bên hoan nghênh tiến triển đạt được trong hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Phía Nhật Bản cam kết tăng cường an toàn hạt nhân thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và những bài học vừa qua liên quan tới sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Công ty điện lực TEPCO, với sự minh bạch cao nhất và giải trình kế hoạch từng bước để nâng cao an toàn hạt nhân. Phía Việt Nam đã hoan nghênh những nỗ lực của Nhật Bản, và giải thích rõ sự cần thiết của năng lượng hạt nhân nhằm đảm bảo việc cung cấp năng lượng ở Việt Nam và bày tỏ nguyện vọng mạnh mẽ đối với việc Nhật Bản cung cấp công nghệ hạt nhân. Phía Nhật Bản bày tỏ ý định cung cấp cho Việt Nam những công nghệ đảm bảo mức an toàn hạt nhân cao nhất trên thế giới.
Phía Nhật Bản đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Hiệp định Việt Nam-Nhật Bản về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Phía Việt Nam bày tỏ hy vọng Hiệp định này sẽ sớm được phê chuẩn tại Nhật Bản sau khi hoàn tất những thủ tục nội bộ cần thiết.
Hai bên nhắc lại quyết định của Chính phủ Việt Nam trong việc chọn Nhật Bản là đối tác hợp tác để xây hai lò phản ứng hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân số 2 ở tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam. Hai bên hoan nghênh những tiến triển đạt được sau Hội đàm cấp cao tháng 10 năm 2010 và văn bản khẳng định những tiến triển này liên quan đến dự án giữa hai Chính phủ.
Hai bên cũng hoan nghênh những tiến triển sau Hội đàm cấp cao tháng 10 năm 2010 liên quan đến sự hợp tác trong phát triển công nghiệp đất hiếm tại Việt Nam và văn bản khẳng định những tiến triển này giữa hai Chính phủ, cho rằng việc này sẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực điều tra, thăm dò, khai thác và chế biến đất hiếm tại Việt Nam. Hai bên cũng hoan nghênh sự hợp tác trong dự án đầu tiên về đất hiếm sẽ bắt đầu tại Đông Pao, tỉnh Lai Châu, dự kiến được thực hiện ngay sau khi ký kết văn bản này.
Hai bên khẳng định lại tính cấp thiết của việc ứng phó vấn đề biến đổi khí hậu. Hai bên chia sẻ quan điểm rằng để bảo vệ lợi ích toàn cầu thích đáng thì mục đích cuối cùng là thiết lập một khuôn khổ quốc tế công bằng và hiệu quả với sự tham gia của tất cả các nền kinh tế lớn là rất quan trọng. Hai bên khẳng định lại tầm quan trọng của việc khẩn trương thực hiện các Thỏa thuận Can-cun.
Hai bên khẳng định sẽ hợp tác mang tính xây dựng vì sự thành công của Hội nghị COP 17 sẽ được tổ chức tại Nam Phi vào cuối năm 2011. Ngoài các cuộc đàm phán tại Liên hợp quốc, hai bên cũng thừa nhận lợi ích của việc thúc đẩy hợp tác song phương, khu vực về tăng trưởng ít các-bon ở Đông Á, một trung tâm tăng trưởng của kinh tế toàn cầu nơi tập trung những nước phát thải lớn. Hai bên hoan nghênh và khẳng định tiếp tục đàm phán về Cơ chế Tín dụng bù trừ song phương giữa hai nước. Thủ tướng Nô-đa I-ô-si-hi-cô bày tỏ ý định thúc đẩy “Sáng kiến quan hệ đối tác tăng trưởng ít các-bon ở Đông Á” và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến này.
(5) Về hợp tác khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực
Hai bên hoan nghênh tiến triển đạt được trong cuộc họp lần thứ 3 của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Nhật Bản về Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Tokyo tháng 8 năm 2011. Phía Việt Nam bày tỏ mong muốn phía Nhật Bản tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu cho các nhà khoa học Việt Nam thông qua các hoạt động nghiên cứu chung, nâng cao năng lực công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Phía Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực trong kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam, bày tỏ mong muốn đẩy mạnh trao đổi và nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học hai nước và đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm việc xem xét phát triển trường đại học chất lượng cao tại Cần Thơ, Việt Nam.
Hai bên khẳng định lại cam kết  củng cố hợp tác quốc tế về Công nghệ thông tin và Truyền thông xanh (ICT) nhằm phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường bằng việc sử dụng ICT như Hệ thống từ và Công nghệ Đám mây.
(6) Về sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước
Hai bên khẳng định lại tầm quan trọng của tăng cường giao lưu nhân dân, đặc biệt trong giới trẻ, và chia sẻ sự tin tưởng rằng các hoạt động trao đổi văn hóa sẽ làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh thiện ý của Thủ tướng Nô-đa I-ô-si-hi-cô tiếp tục nhiều chương trình trao đổi thanh niên, trong đó có chương trình Mạng lưới Trao đổi Sinh viên và Thanh niên Nhật Bản-Đông Á (JENESYS).
Hai bên đánh giá cao thành công của Lễ hội Việt Nam hàng năm tại Nhật Bản và của Đại nhạc hội hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 2 tại Hà Nội, và ghi nhận đóng góp của các hoạt động này vào việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và trao đổi văn hóa giữa hai nước.
(7) Về hợp tác khu vực và quốc tế
Hai bên khẳng định lại tầm quan trọng trong việc nỗ lực tăng cường kết nối ASEAN hướng tới thiết lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Ngoài ra, hai bên hoan nghênh những tiến triển trong hợp tác này kể từ Hội nghị Cấp cao Mê Công-Nhật Bản lần hai vào năm 2010, và ghi nhận rằng tiến bộ trong việc thực hiện “Kế hoạch Hành động Mê công-Nhật Bản 63” đã góp phần tăng cường hơn nữa kết nối ASEAN.
Thủ tướng Nô-đa I-ô-si-hi-cô bày tỏ ý định của Chính phủ Nhật Bản tăng cường hơn nữa hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực như hỗ trợ tăng cường liên kết ASEAN và quản lý thiên tai, chủ động hỗ trợ hội nhập ASEAN và xây dựng cộng đồng vào năm 2015. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự đóng góp này của Chính phủ Nhật Bản. Hai bên ghi nhận tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong các khuôn khổ khu vực như Mê Công-Nhật Bản, ASEAN-Nhật Bản, ASEAN+3, EAS, ARF và APEC…để xây dựng một Châu Á phồn vinh và ổn định. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường mạng lưới các khuôn khổ hợp tác khu vực mở và đa tầng, bổ sung và hỗ trợ cho vai trò động lực của ASEAN, góp phần tiếp tục thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng về kinh tế cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh này, đặc biệt liên quan đến EAS, hai bên khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 6 vào tháng 11 năm nay nhằm tiếp tục thúc đẩy tầm nhìn, nguyên tắc, mục tiêu và phương thức của EAS, củng cố các chuẩn mực toàn cầu và các giá trị được thế giới công nhận, thúc đẩy hơn nữa tiến bộ và hợp tác trong EAS trong thời gian tới nhằm đối phó với những thách thức mới trong lĩnh vực chính trị, an ninh và kinh tế.
Hai bên khẳng định hòa bình và ổn định ở Biển Đông là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Hai bên hoan nghênh việc thông qua Quy tắc Hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các Bên tại Biển Đông (DOC) và kêu gọi thực hiện đầy đủ DOC, và sớm xây dựng một Bộ quy tắc Ứng xử (COC), phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành. Hai bên khẳng định tự do hàng hải, giao thương không bị cản trở, và tuân thủ luật pháp quốc tế hiện hành bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình là phù hợp với lợi ích của các nước trong toàn khu vực. Hai bên cùng thừa nhận rằng những lợi ích này cũng cần được thúc đẩy và bảo vệ tại Biển Đông.
Hai bên khẳng định lại sự ủng hộ quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng trên Bán đảo Triều Tiên, kêu gọi thực hiện đầy đủ các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như Tuyên bố chung Đàm phán 6 bên năm 2005. Trên tinh thần đó, hai bên khẳng định lại tầm quan trọng của những hành động cụ thể nhằm tạo môi trường thuận lợi để nối lại Đàm phán 6 bên, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối thoại liên Triều như một tiến trình bền vững. Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các quan ngại nhân đạo của cộng đồng quốc tế, ví dụ như vấn đề bắt cóc.
Hai bên khẳng định lại quyết tâm thúc đẩy hợp tác nhằm sớm cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó bao gồm việc mở rộng thành viên thường trực và không thường trực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định lại Việt Nam ủng hộ Nhật Bản trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Thủ tướng Nô-đa I-ô-si-hi-cô bày tỏ sự cảm ơn đối với sự ủng hộ của Việt Nam.
Hai bên bày tỏ hài lòng và đánh giá cao kết quả của chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, và cùng cam kết tiếp tục phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ