Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Tự truyện của 1 du học sinh VN tại Nhật Bản

Tự truyện của 1 du học sinh VN tại Nhật Bản

Kì 1: Đặt chân lên xứ Phù Tang - Tháng 4/2006 

Du học Nhật Bản - Cuộc sống của một du học sinh Việt Nam tại Nhật và những trải nghiệm thú vị về đất nước này sẽ được thể hiện sống động và hấp dẫn trong nhật kí của Dũng – một bạn du học sinh Việt ở đây.

Chuẩn bị lên đường :
Mẹ tôi mua cho tôi mấy bộ bàn chải đánh răng, kem đánh răng, dầu gội dầu xả, xà bông... Em gái tôi mua tặng 5 chiếc khăn mặt. Bố tôi – một dược sỹ - mua cho tôi một bộ sưu tập các loại thuốc, cho vào túi nilon thành một bọc to hơn quả bóng rổ. Tôi cầm tiền ra chợ ngã tư Sở mua 4 cái quần mặc ở nhà, còn lên mấy khu như Phương Mai lùng bằng được mấy cái áo rét đậm, rất to rất ấm chuyên dành cho người đi nước ngoài. Nói hơi xấu hổ, tôi còn mua cả chục bộ đồ lót. Tôi cứ nghĩ ở Nhật mọi thứ giá đều ở trên trời tôi không sao mua nổi. Trước ngày tôi đi, trong va ly của tôi có đủ quần áo và đồ dùng cá nhân cho tôi dùng trong 2 năm – thời gian để tôi hoàn thành năm 3 và năm 4 Đại học ở Nhật. Có nghĩa là nếu có vất tôi ra hoang đảo giống như Robinson với cái va ly đó, tôi vẫn sống được như người hiện đại trong 2 năm.


Tác giả bài viết trước KTX của mình.


Ngày trước hôm bay tôi không ngủ được. Tôi nằm thao thức nhìn lên trần nhà, tưởng tượng tới một thiên đường lung linh tươi đẹp mà tôi sắp đi tới. Thiên đường đó cũng chỉ có người, có nhà, có xe cộ như ở Việt nam thôi, mà chẳng hiểu sao tôi rất háo hức đi tới. Cảm giác lâng lâng giống như đêm trước hôm bố tôi mua cho tôi con xe máy đầu tiên. Tôi còn tưởng tượng ra đủ tình huống xấu ngăn cản tôi không đến được thiên đường đó như: máy bay rơi, không lên kịp máy bay, không nhập học được...

Hôm tôi bay dù 11 giờ đêm nhưng cả nhà đưa tiễn tôi ra sân bay. Trước khi đi mẹ tôi làm một con gà cho lên bàn thờ, thắp hương khấn bài lầm rầm. Tôi rất ghét mê tín, nhưng cũng chiều mẹ thắp 1 nén nhang. Tôi ra sân bay sớm 1 tiếng, đã thấy nhóm bạn đi cùng ở đó rồi. Có 1 tên đợi mãi chưa tới, cả nhóm lo sốt vó. Hóa ra nó phải chọn giờ hoàng đạo mới bước chân ra khỏi nhà, suýt trễ giờ bay. Cả nhóm quây lại mắng nó tới tấp. Bọn tôi làm thủ tục gửi đồ, lên máy bay trót lọt. Không, không có khóc lóc, ôm chầm giống như trong phim đâu. Các bố mẹ đều cười tươi, vẫy tay khi bọn tôi khuất sau đường vào máy bay.


Đặt chân tới Nhật :

Tôi đi học bổng 322 của Nhà nước. Bay từ Nội Bài đến sân bay Osaka, chuyển xe buýt tới sân bay Kansai rồi bay máy bay nội địa về Niigata. Làm thủ tục nhập cảnh, ông cảnh sát mặt lầm lỳ giọng gầm gừ mắt lườm lườm hỏi tôi giấy tờ. Tôi sợ hết hồn. Sau này tôi mới biết, tất cả những công nhân viên chức của Nhật như nhân viên tòa thị chính, hay cả ông cảnh sát ngồi trong đồn đều tươi cười và tận tụy, giống như mấy anh bán hàng vi tính Trần Anh khi bạn mua hàng của họ vậy. Có mỗi mấy ông hải quan là làm mặt lạnh.



Đây là cái máy bay nội địa chở chúng tôi từ sân bay
Kansai về sân bay Niigata ngày đầu tiên đặt chân đến
Nhật. Chúng tôi nói đùa ó bé như máy bay phun thuốc
trừ sâu*

 


May là được dặn trước nên tôi để giấy gọi nhập học của trường bên này, cùng với mấy cái giấy chứng nhận cấp học bổng của bộ ở hành lý xách tay, đưa ra được cho qua luôn. Có thằng bạn để giấy ở trong va ly, họ cử cô tiếp viên đi theo ra lấy valy trước, rồi lại dẫn lại với cái giấy gọi nhập học. Họ muốn xem bằng được. Rút kinh nghiệm đã biết mùi xách cái va ly 30kg từ sân bay về trường nó như thế nào, bọn tôi gửi ngay chuyển phát nhanh ở quầy Kuroneko (mèo đen) trong sân bay về địa chỉ trường. Mất 300.000 - 400.000 nhưng chắc chắn số tiền này xứng đáng!



Tôi tới Nhật cuối đông đầu xuân ngày mùng 1 tháng 4, 10 ngày trước lễ khai giảng chính kỳ của Nhật. Ấn tượng đầu tiên về Nhật là: lạnh và sạch. Cái lạnh của Nhật nó tĩnh lặng. Có lẽ do tôi không phải ngồi xe máy phóng cho gió táp vào mặt, cũng chẳng phải thò mặt ra ngoài đường mấy. Toàn đi tàu điện, ô tô với máy bay. Còn sạch, tôi có cảm tưởng ngoài đường không có lấy nổi 1 hạt bụi, nói chi là rác. Mấy đôi giày tôi mua đi cả năm không lau 1 lần (không phải tôi bẩn mà đường sạch).
Trường tôi nằm trên đỉnh đồi (đúng nghĩa đen, từ 4 phía lên trường tôi kiểu gì cũng phải qua 1 con dốc rất dài). Đứng ở trường có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố. Mà tôi hỏi mấy thằng bạn, trường chúng nó cũng toàn nằm trên đỉnh đồi đèo núi hết. Có trường còn bị đặt tách biệt khỏi khu dân cư, mỗi cuối tuần chúng nó lại leo xe buýt đi cả tiếng vào thành phố để đi chợ. Từ trường tôi “xuống núi” đi vài bước là thấy hàng quán, kể ra còn văn minh chán.


Trường ĐH CN Nagaoka. Sau khi tôi đến Nhật 1 tháng.
(Trường tôi nằm trên đỉnh đồi)

Cửa hàng 100 yên :


Trường cử 2 người đón chúng tôi ở sân bay Niigata. 2 ông tâm lý, trên đường về cho chúng tôi vào một cửa hàng 100-yen. Chúng tôi thích lắm, bọn con gái còn hú hét ầm ĩ. Nó thực chất là một cửa hàng bách hóa bán đồ Trung Quốc giá siêu rẻ. Tôi tìm thấy tất cả mọi thứ nhu yếu phẩm ở đó, từ bát đũa đến mắc treo quần áo, tất cả đều 100 yen ( khoảng 17 nghìn). Cả khăn mặt, kem đánh răng mà mẹ tôi nhét 1 đống vào va ly nữa. Lúc đầu tôi cũng cân nhắc thiệt hơn việc mua cái bàn chải đánh răng 3.000 ở VN và mang nó mấy nghìn km đến Nhật, so với mua nó 17.000 và đem nó qua 3 km về nhà, nhưng sau khi ăn một bữa ăn trưa giá 100.000 và mua lon coca giá 20.000, tôi đã hết cân nhắc.


Mời các bạn đón đọc tiếp phần 2
Liên hệ tư vấn du học Nhật Bản miễn phí:       Hotline: 0905234977

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét