1. Lịch sử lâu đời
Văn học Nhật Bản có một lịch sử lâu dài và nhất quán, điều này rõ ràng đến
mức chúng ta không cần phải nói thẳng ra rằng đó là một đặc trưng. Nếu
giới hạn trong những gì đã được kiểm chứng bằng các tài liệu ghi chép,
ta có thể đi ngược về đầu thế kỷ thứ 8 để nói về sự khởi đầu của lịch sử
văn học Nhật Bản. Năm 712, "Cổ sự ký" (Kojiki), cuốn sách sử có giá trị
lớn về mặt văn học được biên soạn. Người ta vẫn chưa xác định được niên
đại chính xác của tập thơ "Vạn diệp tập" (Manyoshu) dưới dạng tuyển tập
được biết đến như ngày nay, song có thể suy đoán nó ra đời vào nửa sau
thế kỷ thứ 8 hoặc đầu thế kỷ thứ 9 vì trong đó tập hợp không ít các bài
thơ được làm trước khi biên soạn "Cổ sự ký". Kể từ đó tới nay, văn học
Nhật Bản luôn xuôi theo một dòng chảy nhất quán, mặc dầu trải qua vô số
biến thiên (từng có những thay đổi lớn nhưng chưa bao giờ hoàn toàn đứt
đoạn) song nó vẫn được kế thừa với tư cách "một nền văn học đồng nhất”
được viết bằng tiếng Nhật. Nếu đem so sánh với lịch sử văn học của phần
lớn các nước khác trên thế giới thì có thể nói văn học Nhật Bản có một
lịch sử dài. Đối với trường hợp "một nền văn học đồng nhất” trải qua một
thời gian dài và được kế thừa liên tục như vậy ta hầu như không bắt gặp
ví dụ nào khác ngoại trừ Trung Quốc với một bề dày lịch sử lâu đời đáng
tự hào.
Lịch
sử văn học Nhật Bản không chỉ lâu đời, mà các hình mẫu phát triển của
nó còn có một đặc trưng giống như Kato Shuichi đã chỉ ra, đó là mặc dù ở
vào một thời kỳ nào đó có thể xuất hiện những hình thức văn học và ý
thức thẩm mỹ mới, song chúng không bao giờ xóa bỏ hoàn toàn hình thức và
ý thức thẩm mỹ trước đó, ngược lại, chúng kế thừa những cái cũ và bồi
đắp thêm những cái mới để tạo ra một dòng chảy văn học sử. Chẳng hạn,
trong lĩnh vực thơ ca, thể loại tanka (thơ ngắn, hay còn gọi là waka,
thơ kiểu Nhật) kể từ sau thời kỳ "Cổ sự ký" có lịch sử lâu đời nhất, tuy
nhiên nó vẫn song song tồn tại cùng hai thể loại thơ ra đời sau đó là
haikai (sau này gọi là haiku) và thơ cận đại (sau này gọi là thơ hiện
đại) chịu ảnh hưởng của thi ca châu Âu từ thời Minh Trị. Nghĩa là, sự
xuất hiện của thơ hiện đại không làm tanka hay haiku mất đi.
Tương
tự như vậy trong lĩnh vực kịch nghệ, trạng thái cùng tồn tại ít nhất là
ba thể loại gồm No-Cuồng ngôn (Kyogen), Kabuki, Tân kịch (kịch hiện
đại) vẫn được duy trì đến ngày nay. Với trường hợp của châu Âu, lịch sử
văn học nghệ thuật luôn phát triển thông qua sự thay đổi về dạng thức,
khi một dạng thức mới xuất hiện, nó sẽ xóa bỏ cái dạng thức hình thành
trước đó, khuynh hướng này được gọi là "sự đấu tranh" giữa các dạng thức
(ví dụ có sự chuyển biến từ chủ nghĩa lãng mạn sang chủ nghĩa hiện
thực, chủ nghĩa tượng trưng), nhưng đối với Nhật Bản thì điều này là hy
hữu, dạng thức mới chồng đắp lên dạng thức cũ, nhờ kết quả đó mà văn học
Nhật Bản cùng lúc đảm bảo được cả tính nhất quán và đa dạng về mặt lịch
sử.
2. Ảnh hưởng của nước ngoài
Lịch
sử lâu đời và tính nhất quán của văn học Nhật Bản mà tôi đề cập ở trên
không có nghĩa rằng văn học Nhật Bản chỉ có những phát triển mang tính
tự thân và nội tại mà không chịu ảnh hưởng nào từ bên ngoài. Phải thừa
nhận rằng điều kiện địa lý tự nhiên là một quốc đảo được ngăn cách bởi
biển khiến cho ngoại bang khó lòng xâm lược Nhật Bản về mặt quân sự là
một trong những nguyên nhân giúp lịch sử có được tính nhất quán, song sự
ảnh hưởng về văn hóa của nước ngoài thì lại là một câu chuyện khác.
Thậm chí, Nhật Bản còn tiếp nhận một cách hết sức mạnh mẽ những ảnh
hưởng về văn hóa từ ngoại quốc, vừa tích cực tiếp thu vừa phát triển nó
thành văn hóa của mình. Nhật Bản đã từng có chính sách bế quan tỏa cảng
thời kì Edo, tuy nhiên nó chỉ chiếm một giai đoạn ngắn ngủi trong toàn
bộ lịch sử lâu dài của Nhật Bản.
Nói
một cách khái quát, thần thoại và ca dao trong thời kỳ cổ đại mang đậm
nét bản địa là sản phẩm của Nhật Bản thì nền văn học Nhật Bản sau này
lại phát triển dưới ảnh hưởng áp đảo của văn hóa Trung Quốc trong thời
kỳ trung đại và của văn hóa châu Âu trong thời kỳ cận hiện đại (kể từ
sau thời Minh Trị). Nếu mượn sơ đồ của Konishi Jinichi, ta có thể thể
hiện điều này một cách đơn giản và sáng rõ như sau:
Thời kỳ
Cổ đại (Thế kỷ thứ 5 ~ 8)
Trung đại (Thế kỷ thứ 9 ~ giữa thế kỷ 19)
Cận hiện đại (Giữa thế kỷ 19 ~ nay)
Đặc trưng
Đặc trưng Nhật Bản (tính bản địa) .
Ảnh hưởng Trung Quốc
Ảnh hưởng phương Tây (châu Âu)
Trong
quá trình lịch sử này, điều cần đặc biệt lưu ý là sự ảnh hưởng của
Trung Quốc đã diễn ra một cách liên tục và mạnh mẽ suốt một thời gian
dài. Vào thế kỷ thứ 6, Nho giáo và Phật giáo từ Trung Quốc du nhập vào
Nhật Bản qua nước Bách Tế (thuộc bán đảo Triều Tiên), sự kiện này đã gây
ra những ảnh hưởng to lớn lên toàn bộ lịch sử tinh thần của Nhật Bản
mãi về sau (tuy nhiên, trong khi Phật giáo được tiếp nhận từ khá sớm và
ảnh hưởng mạnh mẽ lên đời sống tinh thần của người Nhật Bản suốt thời kỳ
trung đại thì chỉ đến thời kỳ Edo khi mà Chu Tử Học [hệ thống học vấn
nho giáo được xây dựng lại bởi Chu Hi thời Nam Tổng] ảnh hưởng của Nho
giáo mới trở nên mạnh mẽ. Tuy nhiên, ảnh hưởng ấy không chỉ dừng lại
trên phương diện tư tưởng. Mà điều quan trọng nhất là Nhật Bản đã tiếp
thu một khối lượng lớn các chữ Hán và khái niệm được thể hiện bằng chữ
Hán từ Trung Quốc. Và vào thời kỳ này, do chưa có hệ thống chữ viết của
riêng mình nên người Nhật đã vận dụng chữ Hán một cách khéo léo để ghi
lại tiếng Nhật. Sau đó, sự ảnh hưởng của văn học Trung Quốc, đặc biệt là
thơ đã diễn ra trong suốt một thời gian dài, và truyền thống làm thơ
chữ Hán bằng tiếng Trung Quốc nhưng đọc theo kiểu Nhật trong giới trí
thức còn kéo dài đến tận thời Minh Trị (cuối thế kỷ 19). Với ý nghĩa đó,
quả không ngoa nếu nói văn học Nhật Bản đã tồn tại qua một thời kỳ khá
dài dưới dạng song ngữ tiếng Nhật-tiếng Trung Quốc (nói một cách chính
xác hơn thì đây là một biến thể của tiếng Trung Quốc được Nhật Bản mà
người ta thường gọi là Hán văn).
Bước
sang nửa sau thế kỷ 19, cuộc cải cách Minh Trị đã đặt dấu chấm hết cho
chính sách bế quan tỏa cảng kéo dài và Nhật Bản bắt đầu mở cửa ra bên
ngoài, chính trong thời kỳ này, văn học cũng giống như các lĩnh vực khác
như khoa học, tư tưởng đã hấp thu một cách tham lam mọi thứ của phương
Tây. Khi nói đến quá trình hiện đại hóa các thể loại tiểu thuyết, thơ,
kịch và sự xác lập của văn học cận hiện đại ở Nhật Bản, ta không thể bỏ
qua ảnh hưởng của văn học cận hiện đại châu Âu từ Shakespear, Geothe đến
Turgenev, Tolstoi, Dostoevski v.v... Sau đó, việc chuyển ngữ văn học Âu
Mỹ trở nên xuyên suốt và phổ biến, và không hề quá lời khi nói rằng văn
học dịch đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền văn học cận hiện
đại Nhật Bản. Thái độ coi trọng văn học âu Mỹ của người Nhật kéo dài cho
tới hiện đại. Giai đoạn đầu của niên hiệu Chiêu Hòa (1927~1930), nhà
xuất bản Shinchosha xuất bản bộ sách dịch văn học thế giới với tựa đề
"Văn học thế giới toàn tập", hầu như tất cả các tập đều trở thành
bestseller với gần 400 nghìn bản được bán ra. Tuy nhiên, có một điều thú
vị là các tác phẩm được tập hợp trong toàn bộ 57 tập của bộ này thảy
đều là văn học Âu Mỹ, hoàn toàn không có sự góp mặt của văn học Á Phi.
Tóm lại, đối với người Nhật Bản thời kỳ đó, văn học thế giới có nghĩa là
văn học phương Tây.
3 . Tự nhiên và bốn mùa
Có
thể nói các điều kiện địa lý của Nhật Bản cùng với tự nhiên đa dạng do
các điều kiện đó mang lại cũng ảnh hưởng lớn tới văn học Nhật Bản. Trong
số các nhà tư tưởng sáng tạo chủ trương cách nghĩ rằng khí hậu và môi
trường tự nhiên ảnh hưởng tới con người và nền văn hóa có Watsuji
Tetsuro, tác giả cuốn "Phong thổ" (1931). Nếu đẩy cách nghĩ này lên đến
cực đoan sẽ rất nguy hiểm vì người ta dễ sa vào loại hình luận và quyết
định luận đơn thuần, tuy nhiên có thể thấy rằng bản thân người Nhật cũng
cảm thấy tầm quan trọng của phong thổ qua thực tế là các thuyết coi
trọng sự ảnh hưởng của phong thổ chỉ xuất hiện ở Nhật Bản.
Nhật
Bản là một đảo quốc với hơn 3700 hòn đảo, phần lớn trong số đó thuộc
vùng ôn đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm tương đối dễ chịu, luôn ở
vào khoảng 10-18oC, lượng mưa hàng năm từ 1000-2500mm, nguồn nước dồi
dào, thảm thực vật phong phú, bốn mùa biến đổi sinh động. Vì là đảo quốc
nên đương nhiên Nhật Bản được bao quanh bởi biển, địa hình bờ biển tạo
ra những cảnh sắc thay đổi phong phú và tuyệt đẹp. Trong tiếng Nhật có
thành ngữ "Tsutsuuraura" (tân tân phố phố), có nghĩa là "không xứ sở
nào, không ngóc ngách nào là không đến được". Chữ "tân" vốn để chỉ bến
cảng, chữ "phố" vốn để chỉ phần vịnh ăn sâu vào đất liền, từ đó có thể
thấy biển đóng vai trò to lớn và thường nhật như thế nào với người Nhật
Bản.
Mặt
khác, địa hình của quần đảo Nhật Bản về cơ bản được hình thành từ núi,
có đến sáu mươi phần trăm diện tích là vùng núi không thích hợp cho việc
cư ngụ của con người. Có thể nói phần lớn diện tích nằm trong vùng ôn
đới, song do địa hình trải dài từ bắc xuống nam nên khí hậu tương đối đa
dạng từ Hokkaido ở phía bắc thuộc đới lạnh xuống đến Okinawa ở phía nam
thuộc á nhiệt đới quanh năm là mùa hè. Văn học Nhật Bản đã phát triển
cùng với thiên nhiên phong phú và đa dạng được tạo nên bởi sự đa dạng
của khí hậu. Đặc biệt, yếu tố ảnh hưởng sâu sắc nhất tới văn học là "bốn
mùa" xuân hạ thu đông. Ở Nhật Bản, ranh giới của bốn mùa rất rõ nét,
người Nhật Bản từ xưa đến nay luôn biết cách thưởng thức vẻ đẹp độc đáo
của mỗi mùa và thể hiện những vẻ đẹp ấy bằng văn học. Ta sẽ không thể
hình dung được một nền văn học với các thể loại phát triển từ xa xưa như
waka, tùy bút, haikai nếu không tính tới yếu tố mỹ học bốn mùa này.
Tôi
xin đưa ra một thí dụ điển hình mà ở đó bốn mùa xuất hiện một cách hết
sức sống động. "Chẩm thảo tử" (Makura no soushi) là tập tùy bút do một
phụ nữ có tên Seisho Nagon viết vào cuối thế kỷ thứ 10. Những dòng đầu
tiên rất nổi tiếng, viết về tuyệt thú của mỗi mùa. Theo Seisho Nagon,
những tuyệt thú ấy là:
Xuân là rạng đông...
Hè là đêm tối...
Thu là chiều muộn...
Đông là tinh sương...
Ở
đây tôi không trích dẫn nội dung các bài tùy bút, song Seisho Nagon
viết về bốn mùa bằng sự đa cảm đầy tinh tế và đặt những tuyệt thú ấy
trong mối liên hệ với tự nhiên và thời tiết. Con mắt quan sát tinh tế
đối với tự nhiên và sự đa cảm tìm thấy niềm thích thú theo thời gian
trong những biến chuyển của thời tiết chính là nét đặc sắc của mỹ học
truyền thống Nhật Bản.
4. Tính trữ tình
Nếu
chuyển cái nhìn từ các yếu tố bên ngoài vào bản thân nội dung tác phẩm
để xem xét cách diễn đạt và nhịp điệu, có thể thấy rõ, trong phần lớn
các tác phẩm văn học từ trước đến nay của Nhật Bản tính chất trữ tình và
cảm tính rất mạnh mẽ. Trữ tình là một khái niệm đối lập với tự sự, ở
Nhật Bản hầu như không xuất hiện các tác phẩm thuộc thể loại sử thi anh
hùng, các tác phẩm tanka vốn là chủ lưu của văn nghệ từ thời kỳ trung
đại thể hiện nỗi buồn đau cá nhân hay tình cảm luyến ái mang đậm nét trữ
tình chiếm tỉ lệ áp đảo. Yếu tố văn học chủ đạo ở đó là nỗi buồn chứ
không phải niềm vui, nước mắt chứ không phải nụ cười, bởi thế mà văn học
Nhật Bản hướng tới những mưu cầu mang tính trữ tình của nội tâm cá nhân
hơn là đối diện với các yếu tố mang tính xã hội, lịch sử. Tzvetana
Kristeva, nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản xuất sắc người Bulgaria nghiên
cứu waka trung đại Nhật Bản từ quan điểm "Thi học của nước mắt”.
Mặt
khác, cảm tính là khái niệm đối lập với lý trí, trong văn học Nhật Bản
từ trước đến nay, các biểu đạt mang đậm chất cảm tính chủ quan được đề
cao hơn các cấu trúc mang tính lý trí, logic, khi đó, có thể nhận định
rằng khuynh hướng coi trọng các giá trị mỹ học mạnh hơn tính luân lý.
Trong văn học và văn hóa Nhật Bản, khi xem xét các từ ngữ thể hiện các
đặc trưng quan trọng nhất trong mỗi thời kỳ, người ta sẽ nghĩ ngay đến
các từ khóa mononoaware, u huyền, wabi/sabi, tuy nhiên có thể thấy đây
đều là những khái niệm liên quan đến ý thức thẩm mỹ mà không mấy liên
quan đến tính luân lý hay xã hội cũng như không cảm thấy một cách mạnh
mẽ các yếu tố siêu việt (như cái nhìn về thần thánh trong tôn giáo).
Chúng
ta thường nhiều lần nghe nhắc tới các từ khóa này, song ý nghĩa thực sự
của chúng khá mơ hồ và cách dùng cũng muôn vẻ nên dễ gây ngộ nhận hay
những cách hiểu phóng đại, vì vậy, ở đây tôi muốn giải thích một cách
thật đơn giản các khái niệm cơ bản này.
Mononoaware,
nói một cách khái quát, là thứ cảm xúc hay tâm trạng sâu lắng khi chạm
tới sự cơ vi và mong manh của đời người. Một học giả thế kỷ 18 tên là
Motoori Norinaga chủ trương rằng đây là tư tưởng trung tâm của mỹ học
thời kỳ Heian, và sau khi ông chỉ ra tầm quan trọng của nó trong "Truyện
Genji" (Genjimonogatari) - xuất hiện vào thế kỷ 11 và có thể được coi
là cuốn trường thiên tiểu thuyết sớm nhất trên thế giới - thì quan điểm
này bắt đầu được chấp nhận rộng rãi. Chữ mono trong tiếng Nhật là một
khái niệm rộng và mơ hồ, tuy nhiên trong trường hợp này nó được dùng để
chỉ thế giới của những đối tượng khách quan nằm ngoài thế giới cảm tính
của cá nhân. Mặt khác, aware là thế giới cảm tính chủ quan, theo đó
mononoaware là thứ cảm xúc hòa trộn được sinh ra từ sự thống nhất giữa
thế giới của những đối tượng khách quan với thế giới của cảm tính chủ
quan.
U
huyền vốn là một từ Hán Nhật dùng để chỉ những cảnh giới sâu xa, vi
diệu và thần bí mà con người không dễ dàng nắm bắt được, tuy nhiên trong
waka thời kỳ tnmg đại, đây lại là từ để chỉ một trạng thái lý tưởng mà ở
đó vẻ đẹp tao nhã đóng vai trò chủ đạo khiến nảy sinh những cảm xúc hay
tâm trạng sâu xa nằm ngoài ngôn ngữ. Ngoài ra, trong nghệ thuật noraku,
nó còn có nghĩa là những thứ đẹp một cách tao nhã và mềm mại.
Wabi/sabi
là hai khái niệm khá giống nhau và thường được xếp cạnh nhau, tuy nhiên
wabi vốn có nghĩa là nỗi buồn man mác, dịu nhẹ còn sabi là tâm trạng
đối với những cái xưa cũ (đây vốn là một từ đồng nghĩa với sabi là gỉ
sét). Đặc biệt trong trà đạo và haikai, tâm trạng chìm đắm trong trạng
thái thưởng thức ctìng với nỗi buồn man mác, dịu nhẹ và niềm xao xuyến
trước những điều xưa cũ, tức là cái tâm trạng được thể hiện bằng cặp từ
wabi/sabi, rất được coi trọng.
Tôi
xin đơn cử ra đây một ví dụ thực tế về mỹ học của Wabi/sabi. Đây là bài
haiku mà bất cứ người Nhật nào cũng biết của Matsu Basho, một nhà thơ
haiku thời Edo.
[Furuikeya kawazutobikomu mizunooto]
Ao cũ
Con ếch nhảy
Tiếng nước
(Sáng tác năm 1686)
Haiku
là thể thơ theo luật nhỏ nhất thế giới gồm 3 câu với nhịp âm tiết là
5-7-5, tổng cộng chỉ vỏn vẹn có 17 âm tiết, song liệu rằng các bạn có
thấy cả một vũ trụ kỳ lạ của thi ca đã hiện ra trong cái hình thức nhỏ
bé ấy chăng? Bối cảnh của bài thơ là cái ao cũ thường thấy trong các
ngôi vườn Nhật Bãn mà bình thường chắc chẳng ai buồn lưu tâm. Ta có thể
tưởng tượng ra một cái ao nhỏ, giản dị và buồn bã, không được trang trí
cầu kỳ, mà thậm chí còn có cả rêu phong và cỏ dại nữa. Thế rồi một con
ếch 9vi2 tiếng Nhật không phân biệt số nhiều và số ít nên về mặt ngôn
ngữ ta không thể xác định được là một hay nhiều con) nhảy xuống và tiếng
nước kêu nên đánh tõm. Chỉ đơn giản là một quang cảnh như vậy nhưng có
thể nói đây là điển hình về mỹ học của wabi/sabi kiểu Nhật Bản.
Tuy
nhiên, ở Nhật Bản hiện đại, những tư tưởng của mononoaware hay
wabi/sabi dường như không còn liên quan gì tới nhịp sống hiện đại và hầu
như đã bị Au hóa nữa. Thịnh hành nhất hiện nay là ý thức thẩm mỹ được
thể hiện bằng một từ tối tân và đầy chất hiện đại, đó là kawaii. Vậy đó
là cái gì? Kawaii là một tính từ được dùng từ xa xưa để biểu đạt tình
cảm quý mến dành cho trẻ nhỏ hoặc những gì xinh xắn, tuy nhiên ngày nay
nó đã được dùng rộng rãi trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Đặc biệt, các
cô gái tầm tuổi mười hay hai mươi sử dụng cách nói kawaii cho hầu hết
các trường hợp mà theo đánh giá chủ quan của họ là hiện đại và đáng yêu.
Nó đã trở thành một từ đại diện cho kiểu mỹ học Nhật Bản thường thấy
trong manga (truyện tranh), anime (phim hoạt hình), mô hình các nhân vật
v.v... vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản và được biết tới ở nhiều nước
trên thế giới. Nhà phê bình Yomota Inuhiko đã chỉ ra rằng đằng sau
kawaii là truyền thống mỹ học coi trọng cảm xúc trước những cái nhỏ bé
và mong manh của Nhật Bản nên bề ngoài trông có vẻ như là sản phẩm của
văn hóa đại chúng đang thịnh hành, song về căn nguyên dễ nhận thấy rằng
nó có mối liên hệ với mononoaware.
Nếu
thử xếp các từ khóa của mỹ học Nhật Bản từ mononoaware đến kawaii, ta
sẽ thấy có một điểm chung giữa chúng đó là không biểu đạt một cách rõ
ràng mà thiên về tận hưởng những tâm trạng sâu xa nằm ngoài ngôn ngữ và
gây ra cho người ta thứ cảm xúc không thể diễn tả; nhờ chúng người viết
vừa tôn trọng cái tinh tế, bé nhỏ, cái khó nói vừa không ngừng hướng tới
sự hài hòa với thế giới của vẻ đẹp.
Ở
đây, tôi muốn nêu thêm một đặc trưng nữa của mỹ học Nhật Bản, đó là
khía cạnh đối lập rất mờ nhạt và sự hài hòa được đề cao, giống như
Konishi Jinichi đã chỉ ra. Sự đối lập có thể xuất hiện ở nhiều chiều
kích như trong chính nguyên lí cấu trúc nội tại của tác phẩm, hay trong
mối quan hệ giữa người viết và tác phẩm, hay trong con người và môi
trường tự nhiên, xã hội bao quanh họ, tuy nhiên người viết trong văn học
Nhật Bản luôn hướng tới xây dựng mối quan hệ hài hòa với mono trong thế
giới của cái đẹp, như trường hợp của monoaware là một điển hình, chứ
không đặt mục tiêu đấu tranh với thế giới hay cải tạo thế giới. Nếu nói
về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, như tôi đã trình bày, Nhật
Bản được trời phú cho một phong thổ ấm áp, hiền hòa và dễ chịu, thành
thử người ta không cần phải chinh phục, cải tạo hay đấu tranh với tự
nhiên, mà ngược lại, có thể vừa tận hưởng vẻ đẹp của tự nhiên như nó vốn
có vừa duy trì sự hài hòa đẹp đẽ ấy.
Mỹ
học Nhật Bản với chất trữ tình và cảm tính đậm nét như vậy có lẽ thích
hợp với nữ giới hơn nam giới. Trên thực tế, ở Nhật Bản thời kỳ trung
đại, vị thế xã hội nói chung của phụ nữ thấp hơn đàn ông, mặc dầu vậy,
vai trò của phụ nữ trong các biểu hiện văn học lại nổi bật hơn. Phần lớn
các thi nhân xuất sắc là phụ nữ là chuyện không cần bàn đến, hơn thế
nữa tác giả tập tùy bút "Makura no soushi" là Seisho Nagon mà tôi vừa
trích dẫn ở trên và tác giả "Truyện Genji" (xuất hiện đầu thế kỷ 11) -
cuốn trường thiên tiểu thuyết được coi là một tượng đài của văn học thế
giới - là Murasaki Shikibu cũng đều là nữ. Bên cạnh đó, kể từ sau thời
kỳ trung đại, còn có một thể loại quan trọng nữa của văn học Nhật Bản là
nhật ký, và phần lớn các tác giả này cũng đều là nữ. Các tác phẩm kinh
điển thuộc thể loại văn học nhật ký thường được biết đến gồm có "Nhật ký
phù du” (Kagerou nikki) (cuối thế kỷ thứ 10), hay "Nhật ký Sarashina”
(giữa thế kỷ 11) v.v. Tác giả của các tác phẩm này là hai người phụ nữ
thuộc dòng dõi quý tộc. Trong văn học Nhật Bản hiện đại, không thể phủ
nhận vai trò của các tác giả nữ xuất sắc trên mọi lĩnh vực như tiểu
thuyết, thơ, tùy bút (các tác giả nữ Nhật Bản được dịch và giới thiệu ở
Việt Nam như các bạn đã biết gồm có Yoshimoto Banana, Yamada Amy, Ogawa
Yoko, Kanehara Hitomi v.v.), song có thể nói rằng ngay từ thời kỳ cổ
đại, việc nữ giới phát huy vai trò không kém, thậm chí có phần nhỉnh hơn
nam giới là một đặc trưng của văn học Nhật Bản.
MITSUYOSHI NUMANO
Liên kết web du hoc nhat ban
Liên hệ tư vấn du học Nhật Bản miễn phí: Hotline: 0905234977
Công Ty TNHH Tư Vấn Du Học Hiền Quang
Địa chỉ: 42/6 Đường Số 3 - Phường 9 - Quận Gò Vấp - TP. HCM
Điện thoại: 08. 7300 2988 - 08. 7300 3088
Website: vvvvv.duhocnhatbanaz.edu.vn
Email: duhochienquang@gmail.com
Địa chỉ: 42/6 Đường Số 3 - Phường 9 - Quận Gò Vấp - TP. HCM
Điện thoại: 08. 7300 2988 - 08. 7300 3088
Website: vvvvv.duhocnhatbanaz.edu.vn
Email: duhochienquang@gmail.com
Du Học Hiền Quang